English

 

Home

 

Contents

 

Trang Đầu

 

Trang Kế

 

Trang Trước

 

Mục Lục

Những giấc mơ kỳ lạ

 Trích trong tập hồi-ký ‘Nói chuyện với con’của ông Tăng-thiên-Thại.

Dưới đây là lời ông Thại kể chuyện với các con của ông

           

            Ông nội có đặt cho Ba, chú Hối, chú Tài và chú Tư, mỗi người một ‘nickname’. Nickname của Ba là Mộng-Lương, chú Hối là Mộng-Thoại, chú Tài là Mộng-Lý và chú Tư là Mộng-Tùng. Tuy có đến bốn Mộng, nhưng thực ra, chỉ có cái tên của Ba, Mộng-Lương, là xuất phát từ một giấc mơ kỳ lạ mà thôi.

            Các con đã biết bà nội có đến 12 người con. Mỗi lần sanh, bà luôn luôn nuôi một bà vú để cho con bú. Giấc mơ kỳ lạ này xảy ra khi Ba vừa mới được một tháng tuổi.

            Một đêm, vào giữa khuya, bà nội nằm mơ thấy một ông già, râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc, đến đập vào tay bà và nói lớn : ‘Con bà sắp chết, dậy mau cứu nó kìa’. Bà nội giật mình tỉnh giấc, gọi ông nội  dậy, rồi hai người cùng chạy về phía buồng ngủ của Ba. Trong phòng, bà vú tưởng như đang ngồi cho Ba bú, nhưng thực ra, bà ta đang ngủ say, vú bà đè chặt vào mũi Ba, làm cho Ba nghẹt thở đến tím cả người. Hoảng-hốt, bà nội vội giật Ba ra khỏi tay bà vú. Ba không khóc được, thân mình mềm nhủn như một xác chết. Bà nội vội phát mấy cái vào mông của Ba, và phải một lúc sau, Ba mới cất tiếng khóc. Trong lúc đó, bà vú hớt hơ hớt hải, chạy lòng vòng trong phòng, hai tay che kín lấy đầu mà mắt vẫn còn nhắm kín. Ông nội đập lên lưng bà ta mấy cái, níu tay bà lại và kéo bà ngồi xuống giường.  Một lúc sau, tỉnh táo hẳn, bà vú vừa thở, vừa thưa : ‘Dạ con đang cho em bú, nhưng không biết có ai trên mái nhà cứ rút ngói ném vào đầu con. Sợ em bị thương, con vội ôm chặt em lại để che chắn.’

            Phải giải-thích như thế nào về giấc mơ kỳ lạ này ? Ông già trong mộng là ai ? Phải chăng một vị thần linh hay một vị cao niên quá cố trong tộc đã hiển linh, một mặt báo mộng cho bà nội, mặt khác ném ngói vào đầu bà vú, cố đánh thức vú dậy để cứu mạng sống cho Ba?

            Sau đêm đó, ông nội đặt cho Ba cái nickname Mộng-Lương, có nghĩa là Giấc Mộng Lành.

&

&      & 

Khi Ba độ bảy, tám tuổi, một hôm, bà vú cho Ba ăn cơm chiên và Ba bị trúng thực rất nặng. Cơm không tiêu-hóa được, bụng cứ trương cứng lên, đau đớn vô cùng. Bà nội hốt hoảng, cho mời ông Bốn Xáng, thầy thuốc Bắc của gia-đình, đến hốt thuốc. Nhưng thuốc uống vào cứ như là nước lã, chẳng có công-hiệu gì. Ba rên la cho đến tối thì ngủ thiếp đi một cách mệt nhọc. Trong giấc ngủ, Ba nằm mơ thấy Bà Ngoại của Ba,vừa qua đời được vài năm, đang từ xa đi tới. Nét mặt hiền hậu, nụ cười tươi tắn, bà dịu dàng vuốt tóc Ba, rồi móc trong túi áo ra ba viên thuốc nhỏ màu đen, bảo Ba uống. Xong, bà thong-thả đi qua khu vườn bên cạnh, nơi con gái và con trai của bà đang sống.

            Sáng hôm sau, khi Ba thức dậy, bụng của Ba đã xẹp từ lúc nào rồi. Ba cảm thấy khoan-khoái lạ thường như  chưa từng đau ốm bao giờ.  

            Phải chăng có một thế-giới vô hình tồn tại song song với đời sống hữu hình của chúng ta ? Tuy ngày nay các nhà khoa-học, thần học và những nhà nghiên-cứu tâm-linh vẫn chưa giải-thích được câu hỏi này, nhưng dù sao, chúng ta cũng nên thận-trọng giữ mình, làm lành, tránh dữ, gieo cái ‘Nhân’ tốt để được hưởng cái ‘Quả’ lành, hầu Lương-Tâm của chúng ta khi sống và Linh-Hồn cuả chúng ta khi chết được nhẹ nhàng, thanh-thản. 

&

&      &

            Vảo khoản năm 1988, lúc đó Ba đã sáu mươi tuổi, một giấc mơ kỳ lạ nữa lại đến với Ba trong một đêm hè oi bức.

            Vừa lên giường không lâu, Ba đã chìm vào một giấc ngủ thật say. Ba thấy trong mơ, Ba đang đi trong một nhà kho rộng lớn. Chợt nhìn qua bên phải, Ba thấy một khung cửa sổ không có chấn song. Hình như có một hấp lực nào đó thúc đẩy, Ba trèo qua cửa sổ và đi bộ theo một con đường mòn hướng tới một cánh rừng thưa. Không lâu sau đó, Ba gặp một ngôi miếu nhỏ, ba gian, ẩn hiện sau hàng cây thưa thớt. Vừa bước vào miếu, Ba gặp một vị tăng trẻ tuổi, từ phía sau bước ra. Vị sư tưoi cười trưng ra trước mặt Ba một tấm hình lớn, vẽ chân-dung toàn thân của một vị sư nữ, nét mặt hiền dịu nhưng rất trang nghiêm. Bà mặc một bộ đồ màu lam, và nét vẽ trong tranh vô cùng sống động. Đột nhiên, vị sư nữ bước ra khỏi bức tranh, còn sư ông thì đã biến đi tự bao giờ. Bà không nói năng gì, thong thả đến qùy trước bàn thờ bên trái, lâm râm khấn nguyện. Trên bàn thờ, không có một tượng Phật nào, chỉ có những tảng đá cuội được sắp từng hàng như những pho tượng. Rồi bỗng có ba tảng đá lăn xuống, như là lời khấn của vị sư nữ đã được chấp-thuận. Bà thong thả đứng lên, nói nhỏ vào tai Ba : ‘Đi theo tôi’. Ba ngoan ngoản đi theo bà, men theo con đường mòn dẫn sâu vào cánh rừng thưa. Đột nhiên có một bụi trúc thật lớn chặn hẳn lối đi. Ba nghe vọng lên giọng nói của bà, nhỏ nhắn nhưng rõ ràng : ‘Hãy nắm lấy một cành trúc’.  Vừa nắm chặc một cành trúc trước mặt, Ba cảm thấy bị búng lên cao, rồi từ từ, thân mình Ba hạ xuống, chân đáp nhẹ lên một thung lủng hẹp, nước xim xíp đến mắt cá. Vị sư nữ đã đứng trước mặt Ba tự bao giờ. Ba tiếp tục đi theo bà một chặn đường nữa thì một cảnh tượng hùng-vỹ hiện ra trước mặt Ba. Bên trái là biển cả mênh mông, lăn tăn gợn sóng, nhưng không có một bóng thuyền nào. Bên mặt là một ngọn núi cao, san sát từ chân núi lên đến đỉnh núi, những ngôi nhà gạch, mái vòm tròn, trông giống như những chùa chiền bên Ấn-độ. Nhìn vào ngôi nhà lớn gần nhất dưới chân núi, Ba thấy một tượng Phật Thích Ca đồ sộ, chiếm hẳn căn chánh điện. Một sư ông trung niên bước ra, chuyện trò với vị sư nữ. Ba đứng yên, một mình, lặng lẽ ngắm nhìn quang cảnh chung quanh. Bầu trời trong xanh, không gian yên tĩnh. Không một cơn gió thoảng nhưng sao Ba cảm thấy mát mẻ quá chừng. Con đường nhỏ giữa biển và núi thẳng tắp, chạy tít đến tận chân trời. Nhìn ánh sáng mặt trời, Ba đoán chừng là vào khoản năm giờ chiều. Nhưng lạ thay, ánh nắng vẫn luôn luôn như thế, không sáng hơn, cũng không tối dần. Thới-gian như ngừng trôi nơi đây. Không khí chung quanh mát mẻ quá khiến cho Ba cảm thấy khoan-khoái vô cùng. Đang tầng ngần đứng lặng, tận hưởng những giây phút thần tiên hiếm có, bỗng Ba nghe vang lên tiếng rên la thật thảm thiết. Một cô gái, thân mình lở lói, hôi hám, đang lê lết đến trước mặt vị sư nữ. Bà thong thả cởi chiếc áo choàng đang mặt, khoát lên người cô gái. Tiếng rên la ngưng bặt.

            Giật mình tỉnh giấc, Ba vội nhìn đồng hồ : 4 giờ rưỡi sáng. Trời vẫn còn tối và tuy đang giữa mùa hè oi bức, căn phòng của Ba lại mát rượi một cách lạ thường và cảm giác vô cùng khoan khoái trong giấc mơ như vẫn còn tồn tại, chưa dứt. Một giấc mơ tuyệt vời, kéo dài suốt từ 10 giờ tối đến 4 giờ rưỡi sáng.  

            Sợ quên mất giấc mơ kỳ ảo, như Ba vẫn thường quên  như thế, Ba vội kêu Mẹ dậy. Ba kể cho Mẹ nghe giấc mơ lạ lùng, rõ ràng từng chi-tiết, và nhờ Mẹ ráng nhớ giùm cho Ba. Khi mặt trời đã lên cao, Ba bước vội qua nhà cô Chín, chị ruột của Ba, một Phật-tử, kể cho cô nghe về giấc mơ đêm qua. Nghe xong, cô vui vẻ nói : ‘Ui cha, em thật có duyên. Nơi em vừa thấy trong mộng là Xứ Tây Trúc (vì có bụi trúc lớn chắn lối đi), một địa danh của Đất Phật, chỉ những người lương-thiện mới được đến đó. Còn Niết-Bàn, cũng như Thiên-Đàng bên Thiên chúa giáo, theo kinh sách ghi lại, thì nếu có cơ duyên, em sẽ được ngắm hàng trăm loại hoa thơm cỏ lạ khoe sắc, khoe hương, và nghe hàng trăm loài chim qúy ca hót vang lừng, chứ không phải yên tĩnh như Xứ Tây Trúc đâu. Còn vị sư nữ thì chị đoán có lẽ là Phật Bà Quan Âm, và vị tăng trung niên là Đức Di-Lặc.

            Bàng hoàng, sung sướng, Ba tự nhủ thầm : ‘Phải chăng mình vừa được diễm phúc đến viếng Miền Tây Trúc yên bình ? Dù sao thì, nếu không làm được điều lành, mình hãy tránh xa điều dữ, để tâm-hồn được thanh-thản, bình yên.

 

Tháng 6 năm 2004

Tăng-thiên-Thại